Những sai lầm khi phân biệt da thật, da giả
Chắc hẳn anh chị đã đọc hoặc đã xem nhiều đến các bài chia sẻ làm thế nào để phân biệt được da thật, da giả phải không? Một sự thật đau lòng là với công nghệ làm da thật, da giả hiện nay thì quá khó để phân biệt ngay kể cả với những người làm trong ngành da.
Đã có một chị khách hàng ở miền trung kinh doanh giầy da, mua một chiếc túi, và muốn trả lại vì khẳng định đây không phải là da thật, lúc đầu tôi nghi ngờ người vận chuyển đã tráo hàng, nhưng sau khi yêu cầu chụp ảnh thì đúng là sản phẩm của xưởng tôi làm ra. Chị ấy nói chị ấy bán giầy da 3 năm nay, nhìn là biết da thật hay da giả… tôi cho hoàn sản phẩm về vì không thể giải thích gì hơn được nữa…
Các cách phân biệt da thật, da giả mà các anh chị cũng như tôi đọc được thì họ cũng chia sẻ đúng, nhưng chỉ đúng với 1 vài loại da hoặc chưa đủ…
Tôi sẽ phân tích chi tiết từng yếu tốđể anh chị được rõ hơn:
- Da thật có lỗ chân lông, còn da giả thì không: Điều này đúng trong trường hợp da thật là loại da bề mặt tự nhiên, cũng đúng với da thật lớp 2 phủ PU, simily nhưng có in lỗ chân lông giả, và cũng đúng với giả da có in lỗ chân lông như da thật, nhưng chưa đúng với loại da thật đã xử lý chống thấm, chống trầy xước, tạo vân bề mặt khác (kể cả dòng cao cấp): Ví dụ dòng da Saffiano của Prada, da Epsom của Hermes (tôi sẽ viết một bài chi tiết về dòng da này).
- Da thật ngửi có mùi da ngai ngái, da giả có mùi nhựa: Điều này rất đúng với các dòng da bề mặt tự nhiên, hoặc cầm cả miếng da thật lên ngửi, đúng luôn với da dả thì không thể có mùi ngai ngái của da thật. Nhưng chưa đúng với các dòng da thật đã xử lý bề mặt, và các sản phẩm đã qua xử lý bồi mặt trong, nó không còn lỗ thoát mùi ngai ngái của da.
- Da thật đốt có mùi khét như tóc cháy, mực nướng…, da giả có mùi khét của nhựa cháy: điều này đúng trong nhiều trường hợp, nhưng với loại da tái chế: Là da công nghiệp người ta xay từ da vụn, da rác sau đó trộn với keo và cán ép lại thành những tấm da, đốt vẫn có mùi khét như mùi tóc cháy, nhưng đâu đó vẫn có mùi khét như mùi nhựa cháy.
- Mặt sau có lông lông da thì chắc chắn là da thật: điều này đúng với da thật, nhưng da giả người ta cũng làm ra loại có lông da chẳng khác gì da thật, và thậm chí một số sản phẩm da giả lại còn cố gắng phô ra những vị trí có lông da mặt sau, còn da thật thì người ta lại cố gắng che đi vì bản chất lông da rất dễ bám bẩn và rất hôi khi bị dính nước (bản chất da thật thấm nước rất mạnh)
- Da thật thì có độ thấm nước, còn giả da thì không: điều này rất đúng với da thật bề mặt tự nhiên, đặc biệt với dòng da chưa qua xử lý chống thấm, da chưa thuộc có thể hút nước như giấy thấm; không thấm nước thì đúng với hầu hết với các loại da giả, nhưng không đúng với các dòng da đã qua xử lý chống thấm, đặc biệt khi còn mới thì không thể thấm xuống một chút nước nào.
- Da thật đốt không cháy: điều này hoàn toàn sai, đây chỉ là các chiêu trò mà thôi. Tôi sẽ viết chi tiết và có clip thử nghiệm đốt giấy không cháy và đốt da thật cháy như thế nào.
- Khi quan sát trên bề mặt da thật có những vết nhăn, còn da giả thì vân da phân bố đều tăm tắp: điều này đúng với da thật bề mặt tự nhiên, nó vẫn còn những vết sẹo tự nhiên, những vết nhăn rất ngẫu nhiên, nhưng lại có nhiều loại da giả họ cũng làm giả luôn những vết sẹo và vết nhăn này, và nhiều loại da thật thì lại cố gắng làm không để xuất hiện những vết sẹo, vết nhăn, đặc biệt là các loại da đã chỉnh sửa bề mặt (mài nhẵn rồi in vân giả) hoặc ở các sản phẩm siêu cấp, họ sẽ không để bất cứ vết sẹo, vết nhăn nào trên bề mặt sản phẩm.
- Da thật ấn vào có độ đàn hồi, còn da giả thì không: điều này thì tôi khẳng định là không thể dựa vào đây để phân biệt được, bởi giả da bây giờ người ta làm cũng có loại rất mềm, đàn hồi rất cao, thực tế da thật ban đầu không hề đàn hồi , hoặc dòng da vegetable có thể sử dụng để chạm trổ lên những bức họa rất đẹp bằng cách dùng những công cụ chạm trổ để ấn mạnh vào da cho lõm xuống với độ nông sâu tùy thuộc vào vị trí từng nét họa.
- Quan sát lắt cắt da thấy kết cấu các sợi da liên kết với nhau: điều này đúng, nhưng bình thường chỉ phân biệt được da thật với da giả, còn da thật lớp 1 và da thật lớp 2 thì cần quan sát kỹ hơn, nếu da thật thì kết cấu lớp thượng bì (lớp cật) bao giờ cũng dày đặc hơn lớp hạ bì, nếu da fullgrain sẽ thấy kết cấu từ đặc đến xốp dần (giống như xem lát cắt cây tre), nhưng có một loại da giả được liên kết bởi các sợi da siêu nhỏ, hoặc da tái chế cũng có kết cấu sợi gần giống, nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy sự khác biệt của các sợi da và kết cấu liên kết của chúng. Đấy là tôi chưa nói đến việc một số sản phẩm treo miếng da thử 1 đằng nhưng làm một nẻo – điều này tôi đã từng nếm trải khi buôn bán đồ da nhập. Tôi sẽ phân tích kỹ hơn “Tại sao da thật vẫn nổ và bong tróc như da giả” ở bài viết sau.
Đọc xong những phân tích ở trên, anh/chị có thấy hoang mang không? Vậy làm thế nào để khi cầm lên 1 sản phẩm hoàn thiện thì có thể biết được nó được làm từ da giả, hay da thật lớp 1, da thật lớp 2?
Thật lòng tôi muốn nói: Quá khó để phân biệt. Nếu cầm lên chiếc túi chính hãng của Prada làm bằng da saffiano hoặc túi Hermes bằng da epsom thì có thể anh chị cho rằng đây là da giả, nhưng cũng có thể 1 chiếc túi làm từ da giả saffiano/epsone lại cho rằng là da thật.
Nếu chỉ sử dụng 1-2 cách thì có thể không phân biệt được nhưng với mỗi loại da khách nhau hãy vận dụng kết hợp các yếu tốmà tôi phân tích ở trên trên, anh/chị cũng sẽ phân biệt được đâu là sản phẩm da thật, đâu là da giả một cách dễ dàng.
Phan Mạnh Hà
MINK Leather
Bảo hành da và kỹ thuật mãi mãi
Tự hào sản xuất bởi những người thợ Việt Nam